Theo một ước tính dựa trên nghiên cứu mới, hiện có ít nhất 14 triệu tấn vi nhựa đường kính dưới 5 mm có thể nằm ở đáy các đại dương trên toàn thế giới.
Phân tích trầm tích đại dương từ độ sâu 3 km cho thấy có thể lượng nhựa dưới đáy đại dương cao gấp 30 lần so với lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt.
Cơ quan khoa học chính phủ của Australia, CSIRO, đã thu thập và phân tích các lõi trầm tích của đáy đại dương tại 6 địa điểm cách bờ biển Nam Australia khoảng 300 km.
Các mảnh trầm tích được thu thập vào tháng 3-4/2017 ở những vị trí cách bờ biển từ 288-349 km, sâu từ 1.655-3.016 m.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 51 mẫu thử và phát hiện ra rằng sau khi loại trừ trọng lượng của nước, mỗi gram trầm tích chứa trung bình 1,26 mảnh vi nhựa.
Tổng trọng lượng của hạt vi nhựa dưới đáy đại dương hiện nay nặng gấp 34 đến 57 lần so với lượng rác thải nhựa trên mặt biển.
Vi nhựa có đường kính từ 5 mm trở xuống và chủ yếu là kết quả của những vật dụng bằng nhựa lớn hơn bị vỡ thành các mảnh nhỏ.
Tiến sĩ Denise Hardesty, nhà nghiên cứu chính tại CSIRO và đồng tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science, chia sẻ với Guardian rằng việc phát hiện vi nhựa ở vị trí xa xôi với độ sâu như vậy “chỉ ra sự phổ biến của nhựa, bất kể bạn đang ở đâu trên thế giới”. Từ các số liệu thu thập được, các nhà khoa học đã kết luận rằng hiện có tới 14,4 triệu tấn vi nhựa ở dưới đáy các đại dương. Mặc dù đây có vẻ là một con số lớn, tiến sĩ Hardesty cho biết nó chỉ là một phần nhỏ so với lượng nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Nghiên cứu này cũng cho thấy tổng trọng lượng của hạt vi nhựa dưới đáy đại dương hiện nay nặng gấp 34 đến 57 lần so với lượng rác thải nhựa trên mặt biển.
Vào tháng 9, một nghiên cứu ước tính rằng vào năm 2016, khoảng 19-23 triệu tấn nhựa đã được tìm thấy tại các sông và đại dương. Một nghiên cứu từng được công bố trên tạp chí Science trước đây đã ước tính có khoảng 8,5 triệu tấn nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Một nghiên cứu khác ước tính rằng có 250.000 tấn nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương. Mặc dù có những điểm chưa hoàn chỉnh trong các ước tính này, chúng đã được tính toán dựa trên những thông tin tốt nhất hiện có.
Bà Hardesty cho rằng đây là lúc cần dừng lại để suy nghĩ về thế giới chúng ta đang sống và tác động của thói quen tiêu dùng đến môi trường: “Chúng ta cần ngăn chặn việc này từ tận gốc”.
Vấn đề nhức nhối
Tiến sĩ Hardesty cho biết không thể nhận định được số tuổi của các mảnh nhựa cũ, hoặc việc chúng từng là vật dụng nào. Tuy nhiên, hình dạng của các mảnh này dưới kính hiển vi cho thấy chúng đã từng là vật phẩm tiêu dùng. “Sẽ tốt hơn nếu mọi người biết về tầm quan trọng, phạm vi và quy mô của vấn đề mà chúng ta đang bàn tới”, bà chia sẻ. Dù vậy, theo bà, lượng rác thải nhựa trên biển chỉ là một phần rất nhỏ khi so sánh với tổng số lượng rác thải nhựa đc thải ra môi trường, nghĩa là những đại dương xanh chưa phải là nơi chứa nhiều rác nhựa nhất. Bà cho rằng phần lớn rác thải nhựa thực tế sẽ xuất hiện trên các bãi biển. “Rất nhiều rác thải trôi dạt vào đất liền chứ không phải ngoài khơi”, bà nói.
Tiến sĩ Julia Reisser, một nhà hải dương học ở Đại học Western Australia, đã nghiên cứu về vấn đề chất thải nhựa được 15 năm.
“Cộng đồng nghiên cứu khoa học biển luôn rất chú tâm đến việc tìm hiểu nguồn gốc của lượng rác thải nhựa khổng lồ trên biển”, tiến sĩ Reisser – người không tham gia bài nghiên cứu – chia sẻ.
Chúng ta cần hiểu được tác hại tiềm tàng của vấn đề rác thải nhựa lên môi trường biển. Những miếng rác có kích cỡ lớn có thể cuốn vào các sinh vật biển, trong khi vi nhựa và các mảnh nhỏ hơn nữa có thể bị một loạt các loài từ sinh vật phù du đến cá voi khổng lồ tiêu thụ.
Bà cho rằng cuộc nghiên cứu mới này đặc biệt quan trọng vì đóng góp của nó đối với cộng đồng. Đồng thời, bà hy vọng rằng những thông số thu được từ Australia kết hợp với nỗ lực đóng góp của nhiều quốc gia trên thế giới cho các nghiên cứu trong tương lai sẽ giúp ta hiểu rõ vấn đề này hơn.
Tiến sĩ Reisser cũng đã thành lập một tổ chức để nghiên cứu các loại nhựa mới sử dụng rong biển làm nguyên liệu cơ bản.
Kết quả nghiên cứu được công bố trong bối cảnh vào tháng trước, 70 lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã ký cam kết tham gia nỗ lực bảo tồn sự đa dạng sinh học, trong đó có mục tiêu ngăn chặn rác thải nhựa xâm nhập đại dương vào năm 2050.
Tuy vậy, một số nước lớn trong đó có Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Australia không tham gia cam kết này.